Thiết bị này sẽ cho phép can thiệp sớm hơn, giúp người bệnh khỏe mạnh lâu hơn, tránh phải nhập viện gây tốn kém và giảm bớt áp lực cho Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh(NHS).
Quy trình lắp Hệ thống FIRE1 đã được triển khai tiên phong bởi các bác sĩ tư vấn tim mạch, Tiến sĩ Andrew Flett và Tiến sĩ Peter Cowburn trong các thử nghiệm tại Bệnh viện Đại học Southampton (UHS), Hampshire. Công việc của họ là một phần của nghiên cứu quốc tế tiên tiến về việc sử dụng công nghệ mới.
Thiết bị theo dõi lượng chất lỏng trong cơ thể, trong đó mức độ tăng lên cho thấy tình trạng suy tim ngày càng trầm trọng. Nó được cấy vào cơ thể trong một quy trình đơn giản kéo dài 45 phút bằng cách mổ nội soi, sử dụng một ống thông nhỏ được đặt vào tĩnh mạch ở phần trên của chân.
Nó xẹp xuống khi đi vào để có thể đẩy lên tĩnh mạch chủ dưới (IVC), tĩnh mạch lớn nhất của cơ thể, nằm ở bụng, mang máu đã hết oxy trở về tim.
Sau đó, cảm biến được mở rộng đến kích thước đầy đủ của nó, nơi cảm biến liên tục đo kích thước của IVC, tín hiệu báo hiệu lượng chất lỏng trong cơ thể. Mức độ cao có thể làm tăng nguy cơ khó thở và sự tích tụ chất lỏng trong phổi, có thể dẫn đến phải nhập viện cấp cứu.
Hệ thống FIRE1 theo dõi lượng chất lỏng trong cơ thể, với mức độ tăng lên cho thấy tình trạng suy tim ngày càng trầm trọng.(Ảnh: Sky News)
Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân được cung cấp một đai phát hiện đeo ngang bụng từ một đến hai phút mỗi ngày để cung cấp năng lượng cho cảm biến được cấy ghép sử dụng năng lượng tần số vô tuyến.
Dữ liệu được gửi từ nhà bệnh nhân đến nhóm điều trị suy tim tại UHS hàng ngày với mục đích cung cấp thông tin về các dấu hiệu cảnh báo sớm, qua đó họ có thể được can thiệp trước khi tình trạng bị xấu đi đáng kể.
Theo ước tính, hơn 900.000 người ở Anh đang sống chung với bệnh suy tim và con số này có thể sẽ tăng lên do dân số già đi, các phương pháp điều trị hiệu quả hơn và tỷ lệ sống sót sau cơn đau tim được cải thiện.
Nhập viện do suy tim hiện gây thiệt hại cho NHS 2 tỷ Bảng mỗi năm.
Tiến sĩ Flett cho biết: “Thiết bị mới cải tiến này có khả năng cải thiện sự an toàn của bệnh nhân và đạt hiệu quả trong việc quản lý bệnh nhân suy tim mãn tính. Và chúng tôi rất vui mừng là cơ sở đầu tiên ở Anh được thực hiện gắn cảm biến như một phần của nghiên cứu đột phá này.
Chúng tôi hiện đã cấy thành công thiết bị cảm biến cho bệnh nhân thứ hai và dữ liệu mà chúng tôi mong muốn nhận được đã được truyền đi để có thể can thiệp sớm hơn, qua đó giảm số lần đến bệnh viện và giữ cho bệnh nhân khỏe mạnh lâu hơn.
** Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Link bài gốc: https://vtv.vn/the-gioi/benh-nhan-dau-tien-o-anh-duoc-gan-cam-bien-suy-tim-20230213205512687.htm