Ca khúc ‘Thunder Road’ của Bruce Springsteen: Lời mời tới những đêm Hè

0
20

Ca khúc 'Thunder Road' của Bruce Springsteen: Lời mời tới những đêm Hè

Năm 1975, tượng đài âm nhạc Bruce Springsteen vẫn còn là một chàng trai trẻ, đang đứng giữa ngã rẽ quan trọng của sự nghiệp, mà một quyết định có thể đưa ông lên mây cũng có thể dìm ông xuống vực. Không chùn bước, ông đã phá kén, mở ra thế giới riêng của mình.

Thunder Road đã được Springsteen cẩn trọng chọn làm lời mời khán giả tới với thế giới mới này.

Một lời mời

Là nhạc sĩ có tầm nhìn xa trông rộng về rock and roll, Bruce Springsteen đã khẳng định bản thân thông qua gần 50 năm sự nghiệp rực rỡ với những thánh ca cho tầng lớp lao động, những màn quẩy rộn ràng, những khúc ballad lay động sâu sắc, hay nhạc rock máu lửa, nhạc soul cào xé con tim, tất cả như 1 cuốn bách khoa phong phú chứa những hiểu biết sâu sắc về con người và trải nghiệm Mỹ – từ chuyện cá nhân tới chính trị.

Nhưng trên tất cả, Born to Run (1975), album phòng thu thứ 3 mang tính bước ngoặt vẫn là âm thanh đặc trưng nhất của Springsteen. Nó giải phóng ông khỏi cái mác “Dylan tiếp theo” mà giới phê bình gán cho như 1 lời khen tặng, thiết lập vị trí mới cho ông như 1 thực thể duy nhất – 1 bậc thầy không phải bàn cãi về hình ảnh trữ tình màu mỡ, theo chất riêng của Springsteen. Không phải là khuôn mẫu cho những thành công tương lai như Darkness on the Edge of Town, The River, hay bom tấn Born in the U.S.A, thay vào đó, album là khởi đầu cho điều Springsteen thường gọi là “1 cuộc trò chuyện dài” với khán giả.

Ca khúc 'Thunder Road' của Bruce Springsteen: Lời mời tới những đêm Hè - Ảnh 1.

Bruce Springsteen phá kén trong “Thunder Road”

Nhiều người có thể chọn mở màn cho cuộc trò chuyện quan trọng này bằng ca khúc kinh điển cùng tên Born To Run, giống như chính Springsteen sẽ làm khi chọn Badland là ca khúc đầu của Darkness on the Edge of Town hoặc với ca khúc chủ đề cùng tên Born In The U.S.A. Nhưng không, Springsteen quyết định tiếp cận theo hướng quy nạp hơn với Thunder Road, mà ông hay gọi là “1 lời mời” đến với câu chuyện dài kì về những đứa trẻ ở thị trấn nhỏ đang mơ về những gì nằm ngoài đường chân trời như mặt trời lặn vào 1 đêm Hè đẫm mồ hôi.

Ban đầu, đội ngũ của Springsteen định làm 1 album guitar, nhưng sau rốt, “tôi đã viết tất cả các ca khúc trên piano” – như ông nói sau này. Thunder Road cũng như vậy. Nó ra đời khi Springsteen đang ngồi bên cây piano ở phòng khách nhà riêng tại New Jersey.

Vào tháng 10/1974, ca khúc tượng hình dưới dạng 1 bản thu solo mang tên Chrissie’s Song với những câu như “rời bỏ những gì em đã mất, rời bỏ những gì đã lạnh lẽo”. Tới đầu năm 1975, Springsteen kết hợp nó với ca từ của 1 sáng tác khác là Walking in the Street, tạo nên 1 ca khúc mới mang tên Wings for Wheels. Ông đã ra mắt ca khúc này vào ngày 5/2/1975 như 1 phần diễn tặng thêm cho hộp đêm trứ danh 1 thời, The Main Point. Nhưng vẫn chưa hài lòng, Springsteen tiếp tục “tháo dỡ” Walking in the Street, đưa phần coda chính vào Wings for Wheels rồi chốt lại cái tên thành Thunder Road. Cái tên này dựa theo bộ phim tội phạm Thunder Road (1958) mà ông tình cờ nhìn thấy áp phích trong 1 buổi hòa nhạc (dù chưa bao giờ xem phim).

Vào ngày 13/4/1975, nhà phê bình âm nhạc kiêm sản xuất thu âm Jon Landau chính thức gia nhập đội ngũ sản xuất album mới, bắt đầu cho 1 mối quan hệ hợp tác sẽ kéo dài về sau. Landau đánh giá Springsteen là chàng trai trẻ “có khả năng học hỏi nhanh nhất tôi từng thấy”. Cùng với Landau và dương cầm thủ Roy Bittan, Springsteen lại “mổ xẻ” Thunder Road thêm 1 lần nữa, hoàn thiện nó sau 3 ngày làm việc căng thẳng vào cuối tháng Tư.

Ca khúc “Thunder Road”

Ấn tượng ban đầu của Landau về ca khúc là “thật tuyệt vời, nhưng hơi khó nắm bắt, hơi thiếu tập trung, giống như mứt phết vậy… Tôi nhớ đã nói với Bruce (Springsteen) vài ý tưởng để cải tổ lại 1 chút, định hình ca khúc từ đầu tới cuối”. Springsteen thừa nhận Landau là người “biên soạn và biên tập sắc sảo”, tránh việc cường điệu và hướng tới âm thanh hợp lý. Bittan thì giới thiệu phong cách piano kiến trúc đặc trưng sau này của mình vào Thunder Road. Ông có khả năng lấy những phần cơ bản của của Springsteen, mở rộng chúng ra ở mức độ phù hợp, tăng thêm cấu trúc cho ca khúc. Kỹ sư Jimmy Iovine đã phụ thuộc vào Bittan rất nhiều khi phối khí cho toàn album. “Tôi luôn có piano của Roy (Bittan) trong tay. Mỗi khi gặp trở ngại, chỉ cần đẩy Bittan ra. Anh ấy luôn có những thứ thú vị. Thật sự là thế” – Iovine cảm thán.

Và như thế, Thunder Road đã bắt đầu bằng tiếng harmonica réo rắt do chính Springsteen chơi, 1 âm thanh tươi tắn giống như 1 “ngày mới”, rồi từng bước dẫn người nghe tới thế giới mới do ông tạo ra.

Mở ra chân trời mới

Thunder Road không chỉ là 1 ca khúc để nghe mà còn để nhìn, như 1 tác phẩm điện ảnh do 1 nhạc sĩ mới vào nghề sản xuất, viết và đạo diễn để chiếu trong rạp hát của trí tưởng tượng.

So sánh Springsteeen với nhà làm phim tiên phong John Ford, ca sĩ-nhạc sĩ Drive-By Truckers, đồng thời là người hâm mộ Springsteen, “Tramp” Patterson Hood, đã miêu tả Thunder Road như xe ngựa của Springsteen, “thông báo sự xuất hiện nghệ thuật của ông, rằng ông ấy là sẽ làm nên chuyện lớn”. “Thunder Road giống như cảnh hành động mở màn” – Hood nhận định – “tạo tiền đề cho 1 chuyến phiêu lưu kỳ thú”.

Ca khúc 'Thunder Road' của Bruce Springsteen: Lời mời tới những đêm Hè - Ảnh 3.

Tới nay, ca khúc vẫn nằm trong danh mục yêu thích tại các buổi diễn của Springsteen

Tiếng kim rơi xuống mặt A của đĩa than, lực căng và nhả đồng thời chầm chậm tập trung vào tiền cảnh. Tiếng tí tách mơ màng của dương cầm thủ Roy Bittan tương phản với tiếng kèn harmonica hú lên khao khát như tiếng kẽo kẹt của tấm cửa lưới đóng dần trong chuyển động chậm. Khi nhịp tăng lên trầm bổng, tiếng harmonica rời đi và ở đây, khán giả gặp người kể chuyện giấu tên cùng Mary – nàng Juliet khi đó của Springsteen. Nàng không đẹp nhưng, này, chẳng sao. Đó là cách Springsteen cho khán giản biết về các nhân vật của ông, rằng ông không hướng tới tình yêu mà là sự lãng mạn – lãng mạn và đồng hành, những thứ đánh bại sự cô đơn. Sự lãng mạn tạo nên miền đất hứa ở bất cứ nơi nào con đường dẫn họ đi, nơi chắc phải tốt hơn ở đây – vốn là chỗ chẳng có gì để trưởng thành. Nhưng đó không đơn giản là 1 câu chuyện tình.

Thunder Road đưa ra 1 đề xuất: “Em có muốn nắm lấy cơ hội? Về chúng ta? Về cuộc sống?”. Tuy nhiên, có nỗi sợ ẩn trong đó, vì hầu như luôn phải dấn thân về phía trước. Springsteen mới 24 tuổi khi ghi âm ca khúc, khiến câu “có lẽ chúng ta không còn trẻ nữa” càng nổi bật.

“Ca khúc được viết ngay sau chiến tranh Việt Nam” – Springsteen nói vào năm 2005 – “Hồi đó mọi người đều cảm thấy vậy. Không quan trọng là ta bao nhiêu tuổi, mọi người đều phải trải qua sự thay đổi căn bản về hình ảnh của đất nước họ và của chính họ. Lý do là bởi “ta đã thay đổi”. Chúng ta sẽ trở thành 1 kiểu người Mỹ hoàn toàn khác so với thế hệ kế trước, nên dòng đó đơn giản là là công nhận sự thật. Ảnh hưởng rất lớn từ những người hùng của tôi thời thập niên 1950 và 1960 đã kết thúc trong bản thu này. Tôi nhận ra tôi không phải họ. Tôi là 1 người khác. Do đó, nó không còn chỉ là sự pha trộn của những phong cách trước đó. Có rất nhiều điều chúng tôi say mê từ những dòng nhạc yêu thích, nhưng cũng có những thứ khác – cảm giác sợ hãi và không chắc chắn về tương lai, rằng ta là ai, ta sẽ đi đâu, cả đất nước sẽ đi đâu, tất cả được đưa vào bản thu”.

Thời điểm đó, Springsteen cũng đang đứng trước nguy cơ mất hợp đồng với hãng Columbia. Thế nhưng, tiếng gọi của thời đại, tiếng gọi của cái tôi mạnh mẽ bên trong khiến Springsteen vẫn quyết định mở con đường máu riêng, theo cách tỉ mẩn nhất. Sự nhiệt tình này đã lôi cuốn mọi người tới với thế giới bấp bênh nhưng tràn trề hi vọng của Springsteen. Đáp lại tất cả, ca khúc đã thành công vang dội, đưa chàng trai trẻ lên bìa Time Newsweek, đồng thời sẽ luôn giữ vị trí quan trọng trong danh mục biểu diễn lâu dài của tượng đài âm nhạc Bruce Springsteen ngày nay.

Thunder Road được xếp hạng là 1 trong những ca khúc nổi tiếng nhất của Bruce Springsteen và là 1 trong những ca khúc rock hay nhất lịch sử. Ca khúc đứng thứ 111 trong danh sách 500 Ca khúc vĩ đại nhất mọi thời đại của Rolling Stone và thứ 103 trong danh sách Các ca khúc hay nhất mọi thời đại theo tổng hợp phê bình của Acclaimed Music.

‘Born To Run’ của Bruce Springsteen: Trốn chạy khỏi cảnh sống mòn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây